Thứ bảy , ngày 20/4/2024 13:50:9
Nhiệt liệt chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X!
Chuyên môn - Nghiệp vụ » Tổ Ngữ Văn
Cập nhật : 9:41 23/11/2016         Lượt xem : 4518
Đôi dòng cho "Tiếng vọng non sông"

Sáng thứ tư, vào giảng đường theo tiếng gọi của lòng yêu văn học từ thuở nhỏ, tôi dự 2 tiết chương trình ngoại khoá “Tiếng vọng non sông” do tổ Ngữ văn trường tôi tổ chức. Các em học sinh sẽ cảm thụ văn học qua hình thức sân khấu hoá và chính các em hoá thân vào các nhân vật, tôi lấy làm thích thú bởi nội dung là những tác phẩm văn học sử kinh điển mà còn được chính các em học sinh thể hiện nó. Cuối cùng từ tò mò, từ sự yêu thích đơn giản mà tôi đã bị lôi cuốn suốt 2 tiết học, không hề ngừng nghỉ!

Thu hút tôi bởi “Sử thi Đăm Săn” yên bình ấm áp bên ánh lửa bập bùng của Tây nguyên xưa, nghe như núi rừng thuở hoang sơ thật trù phú và thấm đậm tình người, rồi đến hình ảnh cô Tấm dịu dàng nhân hậu trong “Sự trở lại của Vàng Anh” được các em “thiết kế” lại đoạn kết, thay vì nguyên bản là Tấm mang Cám ra làm mắm và gửi cho dì ghẻ ăn thì các bạn học sinh lại đổi thành: “Nhà vua ra lệnh giam 2 mẹ con Cám vào lãnh cung chờ ngày xử trảm thì Tấm quỳ xuống xin vua tha tội chết cho hai người, vì dù sao cũng là người một nhà. Vua thấy vậy bèn đày mẹ con Cám ra đảo hoang, phải khai hoang lập nghiệp, lao động vất vả để hiểu giá trị của sự giàu có và có thời gian suy nghĩ về những hành động tàn nhẫn của mình”. Quả là một cái kết vẹn cả đôi bề cho câu chuyện. Phía Tấm vẫn vẹn nguyên là cô Tấm dịu dàng nết na lại bao dung, hiền lành. Còn mẹ con Cám thì có cách trừng phạt nào đau đớn bằng để cho họ tự cắn rứt lương tâm?!

Tiếp theo là “Kiếp hồng nhan”, các bạn lại cho khán giả một gam màu tối sáng của số phận người phụ nữ trong thời phong kiến xưa, những số phận nghiệt ngã từ cảnh lầu xanh đến cảnh bị vào cung son nhưng như nhà tù, chôn vùi cuộc đời thanh xuân của người con gái. Qua đó Nguyễn Du, Tiểu Thanh, Hồ Xuân Hương hiện ra rõ ràng như những áng thơ kinh điển mà họ để lại cho đến ngày nay! Tôi nghe văng vẳng bên tai:

“Đau đớn thay phận đàn bà,

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”

Hay bức xúc đến cao trào, Hồ Xuân Hương phải thét lên:

“Chém cha cái kiếp lấy chồng chung,

Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng…”

Xót quá, đau quá, lạnh lùng quá cho những số phận con người mà thiệt thòi nhất, đáng thương nhất vẫn là người phụ nữ!

Rồi trường phái văn học lãng mạn xuất hiện, từ Huy Cận, Xuân Diệu, cho đến Hàn Mặc Tử… với những thi phẩm “Đây mùa thu tới”, “Tràng Giang”, “Đây thôn Vĩ Dạ”… được khắc hoạ bởi một chàng thư sinh yêu thơ, yêu người con gái mà không có điều kiện, không môn đăng hộ đối, đành ngậm ngùi nhìn theo chiếc thuyền hoa đưa nàng về bến khác…

Rưng rưng theo cảnh nước mất nhà tan trong các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu, tôi bị cuốn theo cảnh chợ ngày xưa đang buôn buôn bán bán thì tiếng súng nổ, rồi cảnh chạy giặc, cảnh con tìm mẹ, mẹ tìm con,… khắc hoạ rõ ràng trên từng ý thơ trong bài “Chạy giặc”. Những câu thơ vang lên vừa bi thương vừa nức nở:

“Tan chợ vừa nghe tiếng súng Tây”

Rồi để lại một câu hỏi  nghe nhói lòng

“Hỡi trang dẹp loạn rày đâu vắng,

Nỡ để dân đen mắc nạn này?”

Rồi cảnh cả trăm người dân bị giặc giày xéo, đánh đập, bắt bớ, bắn giết… tang thương cả một kiếp người. Dân ta bắt đầu vùng lên, hỡi ôi “lòng dân trời tỏ”! Tôi nghe như đâu đây bó đuốc lá dừa còn thắp sáng bao tấm gương anh dũng hy sinh của người dân áo vải, những con người chân lấm tay bùn chỉ có lòng yêu nước ngùn ngụt mới tạo nên khí thế hào hùng mà: “Đạp rào lướt tới…”, dùng bất cứ thứ gì có trong tay mà đánh giặc từ giáo mác gậy gộc đến cả bó đuốc lá dừa…

Tôi như còn trào nước mắt với “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” thì lại cười chảy nước mắt với “Hạnh phúc của một tang gia”, khi xã hội đương thời được tái hiện Tây không ra Tây, ta không ra ta, chỉ là thói học đòi Âu hoá…

Tác phẩm nổi tiếng của Nam Cao với Chí Phèo, Thị Nở đã làm cho tôi bất ngờ với tài hoá thân của các em, từ một Chí Phèo ngang dọc, nát rượu, đến một Thị Nở xấu xí nhưng lại chân thật, và khi Thị Nở khóc tôi cũng thấy mắt mình cay cay thương cho số phận của Thị…

Điều khiến nước mắt tôi chảy dài đó là những người lính trong Tây Tiến, cũng là những sinh viên, những con người mang lý tưởng cao cả chiến đấu cho đất nước, cho quê hương mà họ phải băng rừng lội suối, rừng thiêng nước độc, không những chống giặc ngoại xâm mà họ còn phải chiến đấu với thú dữ và bệnh sốt rét rừng đến nỗi “người đi không hẹn ước”, “Áo bào thay chiếu anh về đất”… Rồi tình đồng đội, tình đồng chí được khắc ghi khi họ bên nhau bao ngày tháng gian nan khổ cực, và rồi chính tay mình lại không thể ngăn được sự mất mát của người đồng chí thân thương nhất - người đồng chí ấy đã trút hơi thở cuối cùng, ra đi mãi mãi! Mất mát đau thương cho cuộc chiến đấu còn dài ở phía trước, và rồi họ vẫn tiếp tục cầm súng, đấu tranh cho dân tộc Việt Nam rạng ngời một cõi như hôm nay.

Tôi tiếp tục lạc bước vào “Rừng xà nu” - những nhân vật lại trở về trong ký ức tôi bởi sự khắc hoạ tài tình của các em. Từ Tnú, đến Mai, già làng, thằng Dục… Tôi đã chảy nước mắt khi thấy Mai, vợ con Tnú bị bọn Mỹ nguỵ hành hạ cho đến chết và tôi cũng hát lên khúc hoan ca khi cả Tây Nguyên đứng lên và chiến thắng giặc ngoại xâm… Tôi và tất cả chúng ta phải vô cùng trân quý nền hoà bình mà đất nước chúng ta có được ngày hôm nay, bởi vì đó là cuộc đấu tranh và hy sinh biết bao xương máu của cha ông ta!

Chín tác phẩm, bảy giáo viên văn hướng dẫn và chín tập thể lớp học sinh thể hiện, giống như những bàn tay khéo léo dệt nên một tấm lụa, rồi những hoạ sĩ tài ba khắc hoạ lên đó những mảng màu tối sáng thành một bức tranh nghệ thuật sinh động, hấp dẫn bao nhiêu khán giả ngồi dưới khán phòng… Tôi cảm thấy một lòng nể phục họ khi theo dõi toàn bộ chương trình. Với tôi, một giáo viên đã khá lớn tuổi còn ấn tượng nhiều như thế thì các học sinh sẽ được khắc sâu đến nhường nào! Học theo hình thức này các em không chán, không ngán môn Văn mà rất còn hứng thú khi chính mình cảm thụ một cách sâu sắc nhất những gì mà bộ môn mang lại cho các em!

Cuối cùng, tôi xin cảm ơn Ban Giám hiệu nhà trường và tập thể tổ Ngữ văn đã cho tôi một trải nghiệm vô cùng thú vị qua chương trình “Tiếng vọng non sông”.

                                                                                                                 9/11/2016

                                                                                                Tuý Thơ - giáo viên tổ Địa lý